Bài Viết Diễn Giải: COVID Kéo Dài Là Gì?
Source: Việt Kiểm Tin
“Bệnh Covid Kéo Dài”, còn được gọi là “chứng bệnh hậu nhiễm Covid” hoặc “bệnh Covid mãn tính”, đề cập đến các triệu chứng mới, tái phát hoặc tiếp diễn ít nhất ba tháng mà một số người bị nhiễm Covid gặp phải.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mức nghiêm trọng của những triệu chứng này có thể khác nhau, và thường bao gồm mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức, hoặc “tâm trí mù mờ”.
Hầu hết những người bị nhiễm Covid đều hồi phục hoàn toàn trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Nhưng, đối với những người mắc bệnh Covid Kéo Dài, thì triệu chứng của họ vẫn tiếp diễn tới ba tháng, hoặc lâu hơn. Điều này tạo ra nhiều vấn đề sức khỏe mà có thể tái phát trong các khoảng thời gian khác nhau.
Kể từ tháng 7 năm 2021, Hoa Kỳ xác định rằng chứng bệnh Covid Kéo Dài có thể được coi là một tình trạng khuyết tật theo Đạo Luật Người Khuyết Tật Hoa Kỳ (ADA) nếu căn bệnh này ảnh hưởng đến một hoặc nhiều sinh hoạt chính trong cuộc sống.
Mức độ phổ biến của Bệnh Covid Kéo Dài như thế nào?
Cuộc khảo sát gần đây nhất từ Trung Tâm Thống Kê Y Tế Quốc Gia đã báo cáo rằng, tính đến tháng 2 năm 2024, có 17,6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ - hoặc gần 1/5 - đã từng trải qua triệu chứng Covid Kéo Dài, tăng gần 3% so với cùng một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 10 năm ngoái.
Một nghiên cứu của trường y khoa Harvard Medical School từ năm 2023 cho thấy, “những người mắc bệnh Covid lâu dài” ở Hoa Kỳ thường là người cao tuổi và là phụ nữ, và những nguy cơ hàng đầu bao gồm huyết áp cao, bệnh phổi mãn tính, béo phì, tiểu đường và trầm cảm.
Trung tâm CDC cũng tuyên bố rằng, những người đã được chích vắc-xin ngừa Covid ít có nguy cơ mắc bệnh Covid Kéo Dài, so với những người chưa được tiêm phòng
Các triệu chứng của Bệnh Covid Kéo Dài là gì?
Theo trung tâm CDC, một số triệu chứng thông thường nhất bao gồm:
● Mệt mỏi hoặc mệt đừ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
● Các triệu chứng trở nặng hơn sau khi hoạt động đòi hỏi dùng thể chất hoặc tinh thần (còn được gọi là “chứng khó chịu sau khi vận động”)
● Sốt
● Khó thở hoặc hụt hơi
● Ho
● Đau ngực
● Tim đập mạnh và nhanh
● Khó suy nghĩ hoặc khó tập trung (còn được gọi là “chứng sương mù não”)
● Nhức đầu
● Vấn đề về giấc ngủ
● Chóng mặt hoặc choáng váng
● Cảm giác như kim châm
● Thay đổi cảm giác về mùi vị
● Trầm cảm hoặc lo lắng
● Tiêu chảy
● Đau dạ dày
● Đau khớp hoặc cơ bắp
● Phát ban
● Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Ngoài ra, bất kỳ người nào bị bệnh nặng hoặc phải nhập viện đều có thể phát sinh hội chứng hậu chăm sóc đặc biệt (PICS), giống như chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).
Một nghiên cứu của trường y khoa New York Medical College từ năm 2023 cho thấy, nhóm bệnh nhân mắc bệnh Covid Kéo Dài bị tác động tâm lý đáng kể. Hễ trong ba bệnh nhân là có một người mắc chứng lo âu lâm sàng nặng, và gần 1/3 đạt tiêu chuẩn mắc chứng chấn thương tâm lý PTSD.
Một nghiên cứu mới hơn của tạp chí y học The New England Journal of Medicine cũng cho biết rằng, căn bệnh Covid Kéo Dài có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức mà có thể đo lường được, đặc biệt là ở khả năng ghi nhớ, lý luận và lập kế hoạch.
Làm cách nào tôi có thể bảo vệ bản thân tránh khỏi mắc bệnh Covid Kéo Dài?
Tránh bị nhiễm Covid. Mỗi ca nhiễm Covid đều có nguy cơ phát sinh các triệu chứng Covid Kéo Dài. Cách hiệu quả nhất để tránh bị nhiễm bệnh là chích hết các đợt vắc-xin ngừa Covid đầy đủ, và cập nhật liều lượng.
Các biện pháp khác được đề xuất bao gồm:
● Cải thiện hệ thống thông gió
● Đeo khẩu trang chất lượng cao khi ở nơi đông người, kín mít hoặc kém thông gió
● Đi xét nghiệm Covid nếu cần
● Đi chữa bệnh Covid nếu đủ điều kiện
● Giữ khoảng cách với những người đã được xác nhận nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid
● Thực hành phép lịch sự như ho và hắt hơi vào khuỷu tay thay vì vào bàn tay
● Rửa tay thường xuyên
Để tìm địa điểm chích ngừa COVID-19 hay chích liều tăng cường gần bạn nhất, xin bấm vào https://www.vaccines.gov/.
Để tình nguyện tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng, xin bấm vào https://www.researchmatch.org/.