Bài Viết Diễn Giải: Làm cách nào để nói chuyện với bố mẹ Việt của tôi về sức khỏetinh thần?

Không có thuật ngữ nào được chấp nhận dùng phổ biến khi nói đến “sức khỏe tinh thần” trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, chủ yếu là người tị nạn. Cũng không có bản dịch cho nhiều loại chứng bệnh tâm thần đã được bác sĩ chẩn đoán. (Mặc dù, bài báo Los Angeles Times mới đây đã xuất bản bài viết hướng dẫn về một số thuật ngữ này).

Vì vậy, khi nói đến việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần với gia đình họ, nhiều trẻ em của những gia đình nhập cư và tị nạn không biết bắt đầu từ đâu.

Một nghiên cứu năm 2008 của trung tâm lập chính sách chăm sóc sức khỏe UC Irvine Center for Health Care Policy phát hiện ra rằng, người Mỹ gốc Việt đến Hoa Kỳ qua diện tị nạn có nguy cơ bị các vấn đề về sức khỏe tinh thần cao gấp đôi so với người da trắng, nhưng ít có khả năng thảo luận những vấn đề này với chuyên gia y tế.

Trong số những người được khảo sát, nhiều vấn đề của họ bắt nguồn từ những trải nghiệm kinh hồn trốn chạy chính quyền cộng sản Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ sau năm 1975 và xuyên suốt thập niên 1980, khi nhiều thuyền nhân đã phải chịu đựng nhiều gian lao không thể lường trước trên biển, và đã trải qua thời gian dài ở “trại tù cải tạo”.

Cô Cynthia Huỳnh-Wu, Cán Sự Xã Hội Lâm Sàng chuyên tư vấn di dân ở thành phố Seattle, nói với Tổ Chức Người Mỹ gốc Việt Cấp Tiến PIVOT: "Cộng đồng người Việt hải ngoại đã tranh đấu rất nhiều để sinh tồn. Trong cộng đồng, chúng ta được chỉ dạy là phải đè nén mọi thứ, rằng bạn không nên lãng phí quá nhiều thời gian nhớ về quá khứ, vì nếu thế, bạn sẽ bị dậm chân tại chỗ".

Trong số các rào cản đối với việc tìm kiếm phương pháp điều trị sức khỏe tinh thần là mối lo sợ kỳ thị trong cộng đồng Việt, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, chi phí gia tăng và khó tâm sự với các thành viên trong gia đình về những cảm giác bị tổn thương.

Văn Hóa Miệt Thị

Một nghiên cứu năm 2018 của trường đại học Cambridge University cho thấy người Mỹ gốc Việt e ngại thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ, do “cảm thấy tủi nhục, xấu hổ, và sợ bị bạn bè xem thường”. Nhiều người lo ngại bị vướng vào thị phi rồi dẫn tới làm hoen ố danh tiếng của gia đình họ.

Cô Phan Đoan, Cán Sự Xã Hội Lâm Sàng làm việc cho trung tâm tư vấn tâm lý Sunny Days Counseling ở thành phố Houston, nói với Tổ Chức Người Mỹ gốc Việt Cấp Tiến PIVOT: “Khi người ta nói về đề tài sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, họ sẽ phán người đó bị điên, não có vấn đề. Kỳ vọng trong cộng đồng là bạn phải giữ kín chuyện gia đình mình”.

Là con của gia đình người Việt nhập cư, cô Phan Đoan gặp khó khăn tìm nguồn tài liệu tham khảo những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mình khi cô lớn lên, bao gồm cả chứng bệnh hiếu động giảm chú ý ADHD. Một nghiên cứu năm 2024 cho thấy, trẻ em Á Châu ít có khả năng được chẩn đoán chứng bệnh hiếu động giảm chú ý ADHD hơn các nhóm chủng tộc khác.

Theo một số nhà nghiên cứu, quan điểm mặc định “dân thiểu số gương mẫu cho rằng, trẻ em người Mỹ gốc Á ngoan ngoãn và đạt thành tích cao về học tập. Đây là lý do khiến các biểu hiện triệu chứng ADHD thường bị gạt bỏ. Trong trường hợp của cô Phan Đoan, bố mẹ đã buộc cô phải dốc sức học hành gấp đôi ở trường thay vì tìm đến nhờ chuyên gia giúp đỡ.

Cô Cynthia Huỳnh-Wu khẳng định, điều đó không giúp ích được gì khi giới cao niên người Việt, nhìn chung, hoài nghi y tế phương Tây. Cô đã chứng kiến ​​nhiều đứa trẻ phải cãi vã với bố mẹ chỉ để họ chịu gặp bác sĩ gia đình.

Cô cũng tin rằng, nhiều bậc cha mẹ có thể sẵn lòng đón nhận liệu pháp trò chuyện giãi bày tâm sự, còn được gọi là tư vấn hoặc trị liệu tâm lý, nếu con cái họ biết cách diễn tả để giảm bớt quá trình y tế hóa. Nhưng, từ ngữ tiếng Việt duy nhất cô biết để mô tả việc tư vấn là “bác sĩ tâm lý” - một cụm từ gắn liền với “bác sĩ”.

Cô Phan Đoan nói: “Và nếu họ đi gặp bác sĩ thì người đó phải là người Việt”. 

Khan Hiếm Chuyên Gia Tư Vấn Tâm Lý Người Việt 

Một nghiên cứu năm 2020 của trường y khoa Stanford Medical School cho thấy người Mỹ gốc Việt có trình độ tiếng Anh thấp nhất trong tất cả dân số người Mỹ gốc Á. Đối với người Việt ở Quận Cam, nơi có dân số người Việt lớn nhất thế giới ngoài quê hương, có tới 90% giới cao niên yếu tiếng Anh, và có 40% hộ gia đình bị cô lập bởi rào cản ngôn ngữ, nghĩa là, ai trên 14 tuổi đều có trình độ tiếng Anh hạn chế.

Nhưng việc tìm kiếm chuyên gia tâm lý nói tiếng Việt vô cùng khó khăn, đến năm 2016, khi con số bác sĩ tâm lý người Mỹ gốc Á nói chung đang hành nghề, chỉ chiếm 5%. Và điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu tìm chuyên gia người gốc Á để trị liệu tâm lý ngày càng gia tăng.

Cô Cynthia Huỳnh-Wu cho biết, hầu hết lịch hẹn dành cho bệnh nhân của đồng nghiệp cô ấy đều đã hết chỗ, hoặc bệnh nhân phải đợi chờ lâu, nhất là người Việt.

Cô Phan Đoan cho biết, công việc tư vấn tâm lý của cô trở nên bận rộn hơn kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid, và sau đó là làn sóng bạo lực chống người Á Châu gia tăng. Cô Phan Đoan cho biết: “Lần đầu tiên đông đảo người gia nhập vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nhưng, không có nhiều chuyên gia tâm lý nói được tiếng Việt”.

Theo ý cô Đoan, khi bệnh nhân và bác sĩ tâm lý không nói cùng ngôn ngữ, hoặc thậm chí, ngay cả bệnh nhân cùng chung sắc tộc với bác sĩ, họ thường hay bị chẩn đoán sai, hoặc “bị phân vào loại bệnh lý theo cách nào đó, không chính xác với trải nghiệm của họ”.

Cô nói: “Vì cùng chung văn hóa, khi bệnh nhân của tôi diễn đạt gì đó theo phong cách riêng của họ, tôi biết chính xác những gì họ đang muốn nói. Nhưng, với người khác, họ có thể nghĩ rằng, bệnh nhân này đang có ý định tự tử, trong khi thực tế không phải vậy”.

Gia Tăng Chi Phí 

Cũng trong cùng cuộc nghiên cứu tiến hành năm 2020 của trường y khoa Stanford Medical School cho thấy, có tới 8,1% người Mỹ gốc Việt không có bảo hiểm y tế, một tỷ lệ cao hàng nhì trong tổng số người Mỹ gốc Á. Thói quen này có thể đã bị hội nhập từ kinh nghiệm thanh toán chi phí y tế ở Việt Nam, vốn chủ yếu phải bỏ tiền túi của họ ra. 

Nhưng ngay cả những người có bảo hiểm y tế, cô Cynthia Huỳnh-Wu cho biết, cô nhận thấy ngày càng nhiều chuyên gia trị liệu tâm lý không làm việc với các công ty bảo hiểm nữa vì càng ngày, bệnh nhân càng khó được sự chấp thuận để cuộc trị liệu được chi trả. Một số công ty bảo hiểm yêu cầu phải có chứng bệnh đã được chẩn đoán, và những công ty bảo hiểm khác ra giới hạn một số lần hẹn nhất định cho bệnh nhân.

Để dùng một cách khác miễn phí, cô khuyên nên tìm đến các chương trình tiếp cận cộng đồng và cơ quan phi lợi nhuận tại địa phương, như Ban Y Tế Người Việt (The Vietnamese Health Board) ở thành phố Seattle, nơi tổ chức các sự kiện như hội thảo về sức khỏe tinh thần, đi bộ theo nhóm và tập động tác dưỡng sinh yoga đã dịch sang tiếng Việt. 

Trong các buổi trị liệu cho cô, Cynthia Huỳnh-Wu thường xuyên sử dụng biểu đồ thăm dò cảm xúc đã được thông dịch sẵn và cung cấp bởi tổ chức này, một danh sách đầy đủ các cung bậc cảm xúc bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Cô Phan Đoan cũng giới thiệu đến tổ chức trị liệu tâm lý dành cho người gốc Á, có tên là Quỹ Trị Liệu Tâm Lý Hoa Sen (Lotus Therapy Fund) của Tổ Hợp Sức Khỏe Tinh Thần Châu Á, một chương trình kết nối những người có nhu cầu tư vấn tâm lý với chuyên gia trị liệu Á Châu, và cung cấp cho họ tám buổi trị liệu miễn phí.

Phòng khám Chăm Sóc Sức Khỏe Toàn Diện Nhân Hòa (Nhan Hoa Comprehensive Health Care Clinic) tại Quận Cam là một địa điểm khác cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm cả trị liệu tâm lý với giá cả phải chăng bằng tiếng Việt.

Khó Khăn Thổ Lộ Cảm Giác Tổn Thương

Khi cô Phan Đoan làm việc cho Dịch Vụ Hỗ Trợ Gia Đình Châu Á của Austin (Asian Family Support Service of Austin), nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt mà cô gặp không hiểu mục đích của việc tư vấn, thay vào đó, họ đến gặp cô để xin lời khuyên về cách khắc phục hành vi của con họ.

Cô nói: “Chúng ta sẽ có một buổi trò chuyện sâu sắc hơn về các mối quan hệ tình cảm trong gia đình và thế là họ biến mất. Họ không sẵn lòng đi sâu vào trải nghiệm xúc động vì chuyện đó quá đau đớn hoặc khó kiểm soát”.

Đối với những người đang gặp khó khăn tìm cách giúp cha mẹ mình mở lòng để có những cuộc trò chuyện kiểu này, cô Cynthia Huỳnh-Wu đề nghị một trò chơi thẻ bài có phiên bản cho nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt, tên là Cha Mẹ Là Phàm Nhân. Mỗi thẻ có một câu hỏi để người chơi trả lời theo mức độ thân mật của họ, được viết bằng tiếng Anh ở một bên mặt, và mặt kia là ngôn ngữ họ chọn.

Cô Cynthia Huỳnh-Wu nói: “Trò chơi này giúp các bậc cha mẹ cảm thấy thoải mái hơn khi giữ được cảm giác có thế lực, đó là cảm giác tôi ở vị trí dạy bảo con cái. Trong khi đó, bạn hỏi ba mẹ điều gì đó dễ làm họ xúc động, và có thể họ bắt đầu suy ngẫm về thế giới nội tâm của họ, đây là bước đầu tiên để dẫn dắt ba mẹ mở lòng nói về sức khỏe tinh thần”.

Cô Phan Đoan cho biết, việc tránh dùng từ ngữ trách móc cũng có thể giúp bố mẹ thả lỏng tinh thần, đặc biệt là trong một nền văn hóa tôn trọng người lớn và kính trên nhường dưới.

Cô nói: “Tôi khuyên bạn nên thực sự chia sẻ cảm xúc từ tận đáy lòng. Ví dụ như là, khi bố mẹ nói thế, làm cảm giác của con bị tổn thương và làm con rất buồn bã. Có lẽ lần sau, con sẽ cảm thấy vui nếu bố mẹ làm điều này”.

Cô Phan Đoan từng chứng kiến ​​nhiều trẻ em trở nên phẫn uất vì cảm thấy bố mẹ không muốn thay đổi. Cô cố gắng thử định hình lại lối suy nghĩ của các em. “Đối với một số cha mẹ, đây chỉ là những gì họ biết,” cô nói. “Đó là những gì họ đã học được từ cha mẹ họ”.

Đôi khi, cha mẹ không thể thay đổi. Có một số trường hợp, những cuộc thảo luận này có thể mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Cô Phan Đoan khuyên mọi người nên gỡ rối tơ lòng về tình cảnh của mình với chuyên gia tâm lý mà họ tin tưởng, để có thể giúp họ tìm ra cách an toàn nhất để đối phó với hoàn cảnh.

Cô nói: “Điều đó có thể có nghĩa chấp nhận rằng, cha mẹ bạn có lẽ không bao giờ là mẫu cha mẹ như bạn ước muốn. Việc thử hàn gắn các mối quan hệ tình cảm trong mọi tình huống là không hợp lý”.

Đối với những ai đang gặp phải nhiều thử thách mới trong gia đình, cách nhẹ nhàng để nói tới chủ đề này là giúp họ thừa nhận, họ đang gặp khó khăn, bằng cách đưa ra ví dụ cụ thể về thói quen của họ đã thay đổi như thế nào.

Cô Cynthia Huỳnh-Wu nói: “Ví dụ nói như thế này, ‘tôi thấy bạn không còn đi hát karaoke với các dì nữa, hành động này có vẻ không phải là thói quen mà bạn thường làm như trước đây’. Mục đích nói ra những gì bạn đã thấy, chỉ là muốn giúp họ thừa nhận rằng, thay đổi có thể là chuyện rất cần thiết”. 

Next
Next

Quy định loại bỏ việc đeo khẩu trang có nghĩa là bạn không nên đeo khẩu trang nữa?